Trai tai tượng khổng lồ

Trai tại tượng khổng lồ, đúng với tên gọi của nó, là loài trai lớn nhất trong ngành thân mềm. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chúng bởi kích thước rất lớn, có thể cao đến 1.3 mét – ngang với một em bé 3 tuổi, và cân nặng lên đến hơn 200 kg. Vỏ trai đôi khi có nhiều màu sắc lạ mắt. Bạn đã biết gì về trai tai tượng khổng lồ? Hãy cùng tìm hiểu về loài sinh vật lạ kỳ này nhé!

1. Trai tai tượng khổng lồ

Có gì sau lớp vỏ?

Trai tai tượng khổng lồ là một loài trai có vỏ cứng, dày và có từ 4-7 nếp gấp dọc trên vỏ. Vỏ của trai tai tượng khổng lồ cũng là nơi trú ẩn của nhiều loài cá nhỏ sống trong rạn san hô.

 

Bên trong lớp vỏ là lớp màng áo gồm nhiều màu. Trong đó có thể có màu nâu đồng, vàng hoặc xanh lá cây. Không bao giờ có hai chú trai tai tượng có cùng một kiểu màu sắc trên màng áo. Những chấm nhỏ trên màng áo có vai trò như những chiếc “cửa sổ” để ánh sáng mặt trời lọt vào.

Màu sắc màng áo trai tai tượng. Ảnh: Brian Skerry, National Geographic.

 

Lớp màng áo của trai tai tượng nối với hai ống dẫn ra môi trường bên ngoài: một ống hút nước vào trong và hấp thụ phù du trôi nổi, ống còn lại đưa nước đã lọc ra bên ngoài. Mỗi ngày trai tai tượng có thể lọc đến cả trăm lít nước. Khả năng lọc nước tự nhiên này khiến cho trai tai tượng hấp thụ các chất độc hại trong nước biển như ammoniac, nitrat,… giúp duy trì sự cân bằng hệ sinh thái nơi chúng sinh sống.

Trai tai tượng khổng lồ ăn gì?

Trai tai tượng khổng lồ đạt đến kích cỡ to lớn của mình nhờ cách tiêu thụ đường và protein sản xuất ra từ hàng tỉ cá thể tảo sống trong mô của nó. Ngược lại, chúng cung cấp cho những cá thể tảo này một nơi lưu trú an toàn, thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để quang hợp. Trai tai tượng làm điều đó bằng cách hé mở lớp vỏ của mình ra, để lộ lớp màng áo nhiều màu của mình. Trai tai tượng cũng sử dụng ống hút vào trong để hấp thụ phù du trôi nổi quanh mình.

Có một số lời đồn đại rằng trai tai tượng khổng lồ có khả năng bẫy và ăn thịt người. Điều này hoàn toàn không có cơ sở. Chưa có trường hợp nào trong đó trai tai tượng khổng lồ ăn thịt người được ghi nhận. 

 

Đây là một loài động vật rất hiền lành và chuyển động rất chậm. Trai tai tượng chỉ từ từ thu mình vào vỏ khi có người đến gần.

 

Trai tai tượng không lồ sinh trưởng như thế nào?

Trai tai tượng khổng lồ là loài lưỡng tính, chúng có cả cơ quan sinh dục đực và cái, nhưng không thể tự thụ tinh. Trai tai tượng khổng lồ đẻ trứng và phóng tinh trùng ra nước và được thụ tinh bởi con trai khác. Một năm, trai tai tượng khổng lồ có thể sản xuất hàng triệu trứng, nhưng chỉ có một số ít sống sót đến trưởng thành.[1]

Vòng đời của trai tai tượng

Trứng được thụ tinh trôi nổi trong khoảng 12 giờ sau đó phát triển thành ấu trùng, bắt đầu quá trình sản xuất canxi cacbonat hình thành vỏ. Lúc này ấu trùng trai rất nhỏ, chỉ dài khoảng 0.16 milimet.[2] Khoảng một tuần sau, nó có thể đi tìm môi trường sống phù hợp. Các ấu trùng này chưa có tảo cộng sinh nên chúng phụ thuộc vào các sinh vật phù du.

Trai tai tượng khổng lồ sống ở đâu? 

Trai tai tượng khổng lồ chỉ có một cơ hội duy nhất trong đời để tìm cho mình nơi sinh sống ưng ý. Chúng không bao giờ “chuyển nhà”: khi tìm được một rạn san hô phù hợp, chúng sẽ ở đó cả đời. Trai tai tượng khổng lồ cần sống ở nơi nước ấm, có nhiều ánh sáng mặt trời, do đó chúng thường định cư tại vùng đầm nước nông, trên rạn san hô hoặc trên các nền đá dưới biển. 

Trai tai tượng khổng lồ sống nhiều ở khu vực biển Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ở Việt Nam, chúng có thể được tìm thấy ở biển ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa.

2. Trai tai tượng khổng lồ gặp nguy hiểm!

Trên thế giới, trai tai tượng khổng lồ đã bị khai thác đến mức báo động. Trai tai tượng đã gần như biến mất hoàn toàn ở đảo Fuji (Nhật Bản), Vanuatu, New Caledonia, Đài Loan.[3] Chúng đã được đưa danh mục
các loài Sắp nguy cấp trong Sách đỏ thế giới và danh mục Nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam. Hiện nay, mọi hành vi khai thác buôn bán, vận chuyển trai tai tượng đều là vi phạm pháp luật.

Ở Việt Nam, Trai tai tượng được tìm thấy tại 8 đảo: Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Hòn Cau, Hòn Mun, Nam Yết, Lý Sơn và Cù Lao Chàm. Ngoại trừ loài Trai tai tượng vàng nghệ (Tridacna crocea) còn khá phong phú ở Vườn quốc gia Côn Đảo, các đảo còn lại số lượng loài này này còn khá thấp.[4]

(Tridacma maxima) ở Cù Lao Chàm Nguồn ảnh: Nguyễn Văn Vũ, Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

3. Tại sao vậy nhỉ?

Trong nhiều năm, trai tai tượng khổng lồ đã bị khai thác quá mức làm thức ăn (phần cơ khép vỏ của trai tai tượng được coi là món ăn ngon), lấy vỏ và buôn bán để trưng bày trong bể thủy sinh.[5]

Nhiều vỏ trai tai tượng khổng lồ vận chuyển trái phép bị hải quan bắt giữ. Ảnh: Đài Truyền hình tỉnh Quảng Ninh.[6]

Môi trường sống của trai tai tượng khổng lồ - các rạn san hô – cũng đã và đang bị yếu đi và mất dần do tác động đến từ các hoạt động của con người và hiện tượng biến đổi khí hậu. Trai tai tượng khổng lồ là loài không di chuyển, việc mất đi môi trường sống đồng nghĩa với việc chúng sẽ không thể tiếp tục tồn tại.

4. Cùng hành động

Bảo vệ các rạn san hô, môi trường sống của trai tai tượng khổng lồ khi đi tham quan, du lịch, đánh cá…

  • Hãy là người tiêu dùng thông thái, không tiếp tay cho việc mua trai tai tượng để nuôi trong bể cá cảnh. 
  • Ủng hộ các chương trình nuôi cấy trai tai tượng khổng lồ.
  • Tìm hiểu về trai tai tượng, các chương trình bảo tồn động vật biển tại địa phương mình.
1. Trai tai tượng khổng lồ
2. Trai tai tượng khổng lồ gặp nguy hiểm!
3. Tại sao vậy nhỉ?
4. Cùng hành động