Rác biển

Bạn có biết mỗi năm có gần 2 tỉ tấn rác được thải xuống biển? Rác này đến từ đâu và sẽ đi về đâu? Rất nhiều trong số này quay trở về các bãi biển theo những ngọn sóng và rất nhiều rác chìm xuống đại dương.

 

Bạn đã biết gì về rác biển? Hãy cùng tìm hiểu về rác biển và xem liệu chúng ta có thể làm gì để giảm bớt rác biển nhé!

"Biên kêu cứu" - Ảnh tham dự cuộc thi One Ocean, One Future của tác giả Lê Minh Ngọc

1. Rác biển đến từ đâu?

Rác biển là các vật chất rắn khó phân huỷ do con người sản xuất và thải ra - dù trực tiếp hoặc gián tiếp, vô tình hay cố ý - vào môi trường biển. Như vậy, bất cứ vật dụng nhân tạo nào bị vứt hay vô trình trôi xuống biển đều có thể trở thành rác biển. Những vật liệu tạo thành rác biển thường gặp bao gồm nhựa, thủy tinh, kim loại, giấy, vải, cao su, gỗ,…

Rác biển có thể xuất phát từ biển hoặc từ đất liền:

Rác có thể đến từ tàu thuyền, nhà giàn,… và hoạt động của chúng trên biển. Các dụng cụ, vật dụng rơi ra từ tàu đánh bắt cá hay tàu du lịch (dây câu, lưới,…) có thể tạo thành các chướng ngại khiến động vật bị
mắc kẹt. Tương tự, các tàu chuyên chở chở cỡ lớn, nếu bị đắm hay gặp tai nạn, sẽ thải biển ra một lượng vật dụng khổng lồ. Ngoài ra, các giàn khoan dầu mỏ và khai thác khí tự nhiên ngoài khơi cũng tạo ra nhiều loại rác nguy hại cho môi trường biển, ví dụ như các dụng cụ bảo hộ lao động, găng tay, thùng chứa dầu,…

Phần lớn rác trên biển là đến từ đất liền. Điển hình cho loại này là rác thải sinh hoạt trôi nổi và vi nhựa siêu nhỏ. Do sự yếu kém trong ý thức của người dân cũng như trong quá trình xử lý rác, nhiều bao bì thực phẩm, chai nước, đồ dùng y tế, vật liệu công nghiệp,… bị vứt bừa bãi, trôi vào sông suối, và dần dần chất đống trong lòng biển. Bên cạnh đó, bão, lốc xoáy, lũ lụt và lở đất,… cũng góp phần mang những vật có kích thước và khối lượng lớn ra biển một cách dễ dàng.

2. Những loại rác biển phổ biến![1]

Nhựa là loại rác phổ biến nhất, 80% lượng rác trên biển là nhựa. Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng, lượng sản phẩm nhựa bị xả ra biển ngày càng tăng lên một cách chóng mặt. Các sản phẩm nhựa không dễ dàng phân hủy, thời gian phân hủy có thể kéo dài từ hàng chục đến hàng trăm năm. Thậm chí các loại nhựa gắn mác “phân hủy sinh học” cũng không thể tan dễ dàng trong môi trường nước lạnh. Sau một thơi gian, các sản phẩm nhựa vỡ ra thành nhiều mảnh, hình thành nên những miếng “nhựa siêu nhỏ” (microplastics), dường như vô hình đối với mắt của chúng ta nhưng lại vô cùng độc hại.

Thuỷ tinh, kim loại, và cao su, cũng như nhựa, được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm. Tuy chúng có thể bị mòn, hoặc vỡ thành các mảnh nhỏ, song nói chung chúng cũng không bị phân huỷ sinh học hoàn toàn. 

Lưới, các công cụ đánh bắt, sau khi bị trôi mất hay bị vứt bỏ vào biển cả, vẫn tiếp tục bẫy các sinh vật biển, khiến những sinh vật này mắc kẹt và chết.

Tàu bè bỏ hoang cũng là một loại rác biển, gây hại môi trường biển và cản trợ các hoạt động trên biển. Đây là những con tàu bị phá hủy do bão biển, hay bị chủ nhân của chúng bỏ rơi. Những con tàu sau đó có thể bị sóng đánh chìm, hay ở tình trạng nửa chìm nửa nổi, trôi dạt đến các bãi cát, rặng san hô, vỡ thành nhiều mảnh. Những mảnh vụn này bao gồm xác tàu, vật dụng đánh cá, hàng hóa, hóa chất, hay thậm chí là vũ khí, chất nổ. Nếu không có sự trợ giúp của con người, phải mất rất lâu thiên nhiên mới có thể tiêu hủy được chúng.

3. Chuyện gì đang xảy ra?

Mỗi năm, trung bình nhân loại thải 8.8 triệu tấn rác ra biển. 80% trong số chúng xuất phát từ đất liền. Bên dưới những lớp sóng yên bình, nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy biển xanh tràn ngập rác. Theo tính toán, chỉ riêng trong năm 2010, 275 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở 192 quốc gia ven biển, với khoảng từ 4.8 đến 12.7 triệu tấn xâm nhập vào đại dương. Các nhà khoa học ước tính, trong khoảng từ năm 2010 đến 2025, con người sẽ xả ra thêm 155 triệu tấn rác ra biển, biến đại dương thành bãi rác khổng lồ của thế giới. [2]

Rác biển đã lan tới tất các các vùng biển, đại dương, trở thành một vấn lạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường và các sinh vật biển. Mỗi năm, hàng triệu sinh vật biển gặp nạn bởi các loại rác. [3]

Lưới, dây câu, các loại ngư cụ, bao bì, dây cao su,… có thể quấn vào cơ thể sinh vật biển. Sinh vật bị xiết có thể bị thương, nhiễm bệnh, bị ngạt, không thể đi kiếm ăn và chết. 

Các loài rùa biển, chim, động vật biển có vú có thể ăn nhầm rác biển. Chẳng hạn, rùa biển rất hay nhầm rác nhựa là đồ ăn. Các túi nhựa trông khá giống sứa biển – thức ăn yêu thích của rùa biển. Nếu nuốt phải, túi nhựa sẽ mắc kẹt trong đường tiêu hóa của rùa, khiến chú rùa luôn có cảm giác no bụng và lâu dần sẽ chết vì suy dinh dưỡng.

Các mảnh rác biển lớn cũng có thể phá hủy nhiều sinh cảnh biển quan trọng, chẳng hạn như các thảm cỏ biển hay các rạn san hô. Phần lớn trong số này là các hệ sinh thái biển và có vai trò thiết yếu đối với sự
sống còn của rất nhiều loài. 

 

Tình trạng rác thải nhựa gia tăng kéo theo nhiều hệ quả môi trường liên quan tới vi nhựa. Vi nhựa là những mảnh nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5 milimet (kích cỡ khoảng một hạt vừng) là kết quả của rác nhựa phân rã sau quá trình vật lý. Những mảnh vi nhựa xâm nhập vào môi trường và đi vào chuỗi thức ăn của các loài động vật, đặc biệt là các loài sinh vật biển. Nhiều loài động vật biển như rùa, chim biển,…không phân biệt được các mảnh nhựa li ti này và vô tình tiêu hóa chúng, gây ảnh hưởng tới hệ bài tiết cũng như làm ngưng trệ hoạt động sống của sinh vật, có nhiều trường hợp dẫn tới tử vong do tắc nghẽn. [4]

 

4. Chúng ta có thể làm gì?

Hạn chế sử dụng túi nilon. Nếu có thể, hãy tái sử dụng chúng bằng cách gấp gọn túi nilon mà mang đi vào lần mua sắm sau. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các loại túi / hộp có thể dùng nhiều lần.

  • Không vứt các ngư cụ (mắt lưới đánh cá, dây câu rối…) xuống biển. khi đi câu hay đánh bắt cá, dây câu có thể bị rối và lưới có thể bị đứt. Chúng ta thường tiện tay vứt chúng ra biển, nhưng hãy nhớ rằng, một chiếc dây và lưới vứt ra biển có thể giết chết nhiều loài cá, chim,…
  • Hãy thực hiện và cổ động cho việc du lịch xanh. Bạn có thể bắt đầu bằng những việc làm đơn giản, thiết thực như bỏ rác đúng nơi quy định, dọn dẹp rác ở các bãi biển, chia sẻ thông điệp cho bạn bè về tác hại của rác ở biển,…
  • Bạn cũng có thể hỗ trợ, đóng góp cho các dự án xây dựng, bảo vệ màu xanh cho biển.

Riêng tại Việt Nam, để chuẩn bị cho hè biển 2017, trong hơn 1 tấn rác thải được thu gom dọc bờ biển Cửa Lò (Nghệ An) trong chiến dịch làm sạch biển, hơn 70% trong số này là rác thải nhựa. Tương tự, tại Sầm Sơn Thanh Hóa, Sở TN&MT tỉnh này cho biết đã thu gom được 1,2 tấn chất thải nhựa sau 1 tuần phối hợp làm sạch bờ biển. [5] 

Trong hoạt động dọn vùng Áng Dù (bãi biển Hạ Long) lần thứ 3 thuộc chiến dịch “Hành động vì Hạ Long xanh” diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua (2017), với sự tham gia của 112 tình nguyện viên, chỉ trong 2 tiếng đồng hồ đã thu gom được 2.423kg rác ( tương đương hơn 2 tấn rác). Số lượng rác nhựa, xốp chiếm tới 80% cùng với đó còn thu được nhiều loại rác độc hại như kim tiêm, đầu lọc thuốc lá…So với lượng rác thu dọn được vào tháng 1 cùng năm và tháng 6 năm 2016, lượng rác nhựa xốp cho thấy xu hướng tăng đáng kể ở khu vực này.[6]

Ngoài ra, bạn có thể đồng hành cùng: 

Nói không với túi nylon  để hiểu hơn về tác hại của đồ nhựa dùng một lần tới đại dương cũng như tham khảo thêm tại các tài liệu để sống xanh hơn ở hệ thống tài liệu về nước của Thế hệ xanh ở phần Tài liệu tham khảo dưới đây nhé. 

1. Rác biển đến từ đâu?
2. Những loại rác biển phổ biến!
3. Chuyện gì đang xảy ra?
4. Chúng ta có thể làm gì?