Tràn dầu

1. Tràn dầu là gì?

Tràn dầu là sự cố xảy ra trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm từ dầu, (chẳng hạn như rò rỉ ống dẫn, tai nạn tàu thuỷ, sự cố tại giàn khoan,… ) dẫn đến tình trạng dầu thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh thái và thiệt hại đến các hoạt động kinh tế. Số lượng dầu tràn ra tự nhiên khoảng vài trăm lít trở lên có thể coi là tràn dầu.

Dầu loang trên mặt biển. Ảnh: Reuters

Dưới đây là một vài nguyên nhân chính cho hiện tượng tràn dầu:

  • Tàu chở dầu hỏng hoặc bị mắc cạn. Trong khi cố thoát ra khỏi vùng nước nông, tàu có thể va vào đá ngầm, san hô,… và bị mài thủng khiến một lượng lớn dầu chứa trong tàu tràn vào nước. Tuy sự cố kiểu này được biết đến rộng rãi nhất trên truyền thông, song chúng chỉ chiếm 2% lượng dầu tràn trên biển.
  • Khai thác dầu trên biển. Sự cố tràn dầu có thể đặc biệt nghiêm trọng khi hệ thống ngăn dầu bị hỏng, giàn khoan nổ,… Bên cạnh đó, nhiên liệu dùng trong hoạt động khai thác dầu trên biển cũng có thể rò rỉ vào nước.
  • Nhiên liệu rò rỉ từ các phương tiện di chuyển trên mặt nước như thuyền máy, mô tô lướt sóng,… 
  • Các lỗ rò địa chất dưới đáy biển.

2. Số phận của dầu tràn

Trước hết, dầu sẽ nổi trên mặt nước, sau đó loang ra, chủ yếu trên bề mặt nước. Sóng, gió và các dòng chảy đẩy váng dầu lan rộng, ảnh hưởng đến các tầng nước mặt của đại dương, khu vực ven bờ và môi trường sống của các sinh vật nơi chúng đi qua. 

Dầu cũng bay hơi một phần, trở nên đặc, nhớt và tạo thành một lớp váng dày. Một phần khác có thể tan vào nước, phân tán đến gần như vô hình trong nước, hoặc tạo thành đám bọt dày. Phần khác có thể chìm cùng các hạt vật chất lơ lửng, còn lại kết thành cục hắc ín. Qua một khoảng thời gian dài, rác dầu bị phân huỷ bởi ánh mặt trời hoặc vi sinh vật.

Dầu tràn trên biển như thế nào

Tràn dầu mang đến rất nhiều mối nguy hại:

  • Dầu loang rất độc hại đối với cơ thể phần lớn các sinh vật. Một lượng dầu loang tập trung có thể lập tức khiến cá chết hay nhiễm độc hàng loạt. Tuy nhiên ảnh hưởng lâu dài của dầu tràn lên hệ sinh thái có thể còn nghiêm trọng và kéo dài hơn. Dầu làm ô nhiễm chất hữu cơ trong nước biển, làm mất đi nguồn thức ăn, cuối cùng sẽ kìm hãm khả năng sinh sôi của các sinh vật biển.

  • Dầu loang cũng rất có hại cho các loài động vật có vú, bò sát, lưỡng cư và chim sống gần hoặc trong trong đại dương. Chúng có thể bị nhiễm độc do tiếp xúc, nuốt phải; bị ngạt thở, hỏng lớp lông/da giữ nhiệt, hoặc tổn thương hệ thống sinh sản và thay đổi hành vi. Các loài này có thể bị giảm số lượng cá thể hoặc tuyệt diệt. 

Một chú bồ nông bị vướng vào dầu loang và đang kêu cứu.Ảnh: Odyssey Online.[1]

  • Khu vực ven bờ biển thường tập trung đông dân cư, phát triển nhiều hoạt động kinh tế như đánh cá, du lịch biển (lặn, bơi, câu cá, du thuyền), cũng như các công viên quốc gia, khu bảo tồn biển,… Dầu tràn gây tác động rất xấu và dai dẳng đến kinh tế-xã hội ở các vùng này.

3. Chuyện gì đang xảy ra?

Trên thế giới, tràn dầu do tai nạn tàu thuyền đã giảm đáng kể từ những năm 1970 nhờ các cải tiến về kỹ thuật, song các sự cố vỡ và rò rỉ đường ống khiến dầu tràn ra biển cho thấy xu hướng ngược lại. Số lượng sự cố đã tăng từ mức trung bình 47 vụ/năm trong giai đoạn 1968-1977, lên 188 và 228 trong hai thập kỷ kế tiếp.[2] Ở Mỹ, con số này đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1990.[3]

Vụ tràn dầu có chủ ý lớn nhất từng được ghi nhận là ở Vịnh Ba Tư trong sự kiện Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Khoảng hơn 7 triệu tấn dầu đã tràn vào vùng biển gần Kuwait và Ả-rập Xê-út, khi một số tàu chở dầu và bể chứa bị phá huỷ khi cuộc chiến diễn ra. Sự cố không chủ ý lớn nhất là vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon năm 2010, trong đó hơn 6 triệu tấn dầu tràn ra Vịnh Mexico.[4]

Ở Việt Nam

Theo nguồn tin của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, trong khoảng thời gian 20 năm gần đây, hàng năm ở Việt Nam có khoảng 10 vụ tràn dầu lớn được ghi nhận.[5]

Từ ngày 7/7 tới 31/7/2013, trên vùng biển Quy Nhơn cũng đã xảy ra một sự cố tràn dầu gây thiệt hại lên tới hơn 2 tỷ đồng. Hơn 700 lồng cá của 80 hộ ngư dân tại đầm Thị Nại với diện tích gần 14.000m2 bị ảnh hưởng bởi dầu thấm và bám dính vào dụng cụ đánh bắt, nuôi trồng…dẫn tới hơn thiệt hại hơn 10.000 con cá, hàu. Ngoài ra, chính quyền phải mất hơn 200 triệu để xử lý dầu loang, vón cục trên biển [6] Ở khu vực vịnh Cửa Lục - cầu Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh), hàm lượng dầu có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011 - 2015, đạt giá trị từ 0,012mg/L đến 0,826mg/L, so với quy chuẩn là 0,2mg/L (QCVN) [7] Gần đây nhất, vào tháng 8/ 2017, trong quá trình chuyển tải dầu giữa hai tàu chịu trách nhiệm bởi công ty TNHH Vận tải Diệp Dũng bằng ống nhựa cao su, đường ống truyền tải bị bục và lượng dầu thất thoát xuống môi trường biển vào khoảng 200 lít. [8] 

4. Cùng hành động

Nếu sự cố tràn dầu xảy ra ở địa phương bạn, hãy cùng tham gia xử lý sự cố cùng với những người có chuyên môn trong khả năng của bạn nhé:

  • Việc ngăn, quây dầu tràn dầu là việc làm quan trọng nhất. Việc ngăn dầu loang có thể được tiến hành bằng các công cụ kỹ thuật cao hoặc đơn giản như sử dụng phao ngăn dầu chuyên dùng hoặc dùng tre nứa kết thành phao ngăn, sau đó nhanh chóng thu gom bằng mọi cách, từ bơm hút cho đến vớt thủ công; có thể dùng rơm rạ hoặc các loại vật liệu xốp dễ ngấm dầu thả xuống nước cho dầu thấm vào, sau đó vớt lên gom giữ vào nơi an toàn.
  • Trường hợp tràn dầu ngoài khơi, xa bờ, có thể xem xét dùng chất phân tán dầu nhằm ngăn không cho dầu có khả năng loang vào gây ô nhiễm đến bờ, bởi những khu vực này thường là các khu vực nhạy cảm, là nơi sinh sống của các loại động thực vật, các khu bảo tồn thiên nhiên ven biển, các khu rừng ngập mặn cần được ưu tiên bảo vệ.
  • Khi dầu đã lan và dạt vào bờ, cần nhanh chóng và bằng mọi biện pháp, mọi phương tiện, từ thô sơ (như xẻng, xô, chậu ...) cho tới hiện đại (như xe hút nước, bơm dầu, xe ủi, ô tô tải...) tổ chức thu gom váng dầu , cặn dầu.
  • Váng dầu, cặn dầu và các vật liệu bám dầu (như đất, cát, cành cây, rác bám dầu v.v...) cần gom về một nơi, ngăn quây cách ly không cho thấm ra môi trường xung quanh và sẽ được cơ quan chuyên môn hướng dẫn xử lý.

Do dầu mỏ và các sản phẩm làm từ dầu có thể gây ra nhiều nguy hại như vậy, việc ngăn chặn các các mối nguy hại này là cực kỳ cần thiết. Khi chúng ta sử dụng ít dầu mỏ, lượng dầu cần phải vận chuyển sẽ giảm đi, đồng nghĩa với việc sẽ có ít hơn những vụ tràn dầu trên biển sau này. Những việc đơn giản chúng ta có thể làm bao gồm:

  • Giảm bớt việc sử dụng các sản phẩm từ dầu mỏ tràn lan. Hãy đạp xe, đi bộ, hoặc sử dụng các phương tiện công cộng thay cho đi xe máy hoặc ô tô.
  • Thuyết phục gia đình, bạn bè,… cùng hành động như bạn. Hãy giúp những người xung quanh hiểu rằng, nếu chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ, những vụ tràn dầu sẽ tiếp tục xuất hiện, sớm muộn cũng sẽ hủy diệt đại dương của chúng ta. Mỗi người đều có thể góp một phần nhỏ bé để giải quyết vấn nạn này.[9]

1. Tràn dầu là gì?
2. Số phận của dầu tràn
3. Chuyện gì đang xảy ra?
4. Cùng hành động