Biển bị hết cá

Đại dương đã cung cấp cho chúng ta nguồn cá biển và nhiều loại hải sản dồi dào trong suốt hàng triệu năm qua. Mới chỉ vài thập kỉ trước đại dương vẫn còn là nguồn tài nguyên sinh vật phong phú, nhưng đó đã không còn là câu chuyện của hiện tại.

1. Khai thác quá mức là gì?

Con người đã bắt đầu khai thác thủy hải sản từ thời cổ đại. Ngày nay, có gần 300 triệu người trên thế giới gián tiếp hoặc trực tiếp sống phụ thuộc vào ngành khai thác hải sản. Ngày nay, nhờ công nghệ và kĩ thuật hiện đại, việc đánh bắt hải sản phục vụ nhu cầu của con người đã dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Ngày càng nhiều cá bị đánh bắt, khiến cho lượng cá trên các đại dương giảm đi và cạn kiệt.

 

Các nhà khoa học cho biết quần thể cá ở các đại dương trên thế giới đã giảm thấp tới mức báo động. Theo National Geographic, trong một nghiên cứu về đánh bắt hải sản đăng trên tạp chí Science của Mỹ năm 2006, một số nhà khoa học đã tính toán rằng nếu tốc độ khai thác tiếp diễn như hiện nay, đến năm 2048 chúng ta sẽ không còn cá để đánh bắt trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nhiều loài sinh vật biển cũng vô tình bị tiêu diệt trong quá trình đánh bắt này.[1]

Số liệu: WWF

Vì vậy, khai thác quá mức là việc khai thác nhiều và nhanh hơn khả năng đại dương có thể cung cấp. Điều này dẫn đến việc suy thoái hệ sinh thái biển nghiêm trọng và là một kĩ thuật khai thác sinh vật biển không bền vững. [2]

2. Tại sao lại thế?

Nhu cầu tiêu thụ tăng cao của con người Hải sản từ lâu đã là nguồn thức ăn phong phú và ưa thích của con người. Ngoài các sản phẩm tươi sống, hải sản còn được phơi khô, đóng hộp cho việc sử dụng lâu dài. Những năm 50 của thế kỉ 20 đã chứng kiến cuộc bùng nổ dân số lớn chưa từng có. Việc này dẫn tới sự tăng lên đáng kể trong nhu cầu về các loại thủy hải sản nói chung và cá biển nói riêng. Hiện nay, cá là nguồn cung cấp protein chủ yếu cho gần một nửa số dân trên toàn thế giới.[3] Theo FAO, nhu cầu tiêu thụ hải sản theo đầu người (bao gồm cả hải sản đánh bắt và nuôi trồng) có xu hướng tăng dần: từ trung bình 9.9 kg/người trong những năm 1960 lên 14.4 kg trong những năm 1990 và 19.7 kg năm 2013. Đến năm 2016, con số này đã là trên 20kg/người.[4] 

Công cụ khai thác vượt quá khả năng khai thác của tự nhiên

Nhiều ngư trường trên thế giới đã trang bị các loại tàu đánh cá có công suất khai thác lớn và trang thiết bị hiện đại. Một chuyến ra khơi của những chiếc tàu này có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí hàng tháng, có thể đánh bắt cá ở sâu dưới đáy đại dương và nhiều con tàu còn có khả năng chế biến cá tươi trên đường quay trở lại đất liền. Một số tính toán cho thấy: tổng khối lượng công cụ khai thác trên toàn cầu hiện nay đủ để khai thác cá đại dương trên 4 hành tinh có hệ sinh thái giống như Trái đất.

Các phương pháp khai thác hải sản không bền vững

Ngày nay, nhiều tàu cá sử dụng các phương pháp đánh bắt có tính hủy diệt như lưới rà đáy (giã cào bay), sử dụng hóa chất và các chất gây nổ. Các phương pháp này gây ra những vấn đề nghiêm trọng như hủy diệt cuộc sống hoang dã dưới đáy đại dương: phá hủy các rạn san hô, các móc câu vô tình làm hại, thậm chí giết chết chim biển hay găm vào thân các động vật có vú sống trong đại dương.

Bên cạnh các loại cá cần đánh bắt, những lưới đánh cá loại lớn còn bắt phải những loại hải sản không có giá trị kinh tế và thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng, như sao biển, nhím biển, sâu biển, rắn biển, hải cẩu…và cả những đàn cá con. Những sinh vật biển dính lưới này hầu hết sẽ bị chết và ném trở lại biển. 

Ngoài ra, việc tập trung quá nhiều tàu đánh cá trong một khu vực, đặc biệt là khu vực gần bờ, cũng có những tác động không nhỏ đến nguồn cá. Ở Việt Nam, mỗi năm lượng tàu thuyền trên cả nước tăng bình quân 6,2% nhưng chủ yếu là các tàu có công suất nhỏ (dưới 90 mã lực) tập trung khai thác hải sản ở vùng nước ven bờ, trong khi vùng này chỉ chiếm khoảng 11% diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế. Việc khai thác thiếu cân bằng, không bền vững có thể dẫn tới suy giảm nguồn lợi hải sản nhanh chóng trên các vùng biển Việt Nam.

Công tác quản lý việc săn bắt, mua bán trao đổi thủy hải quý hiếm cần được chú trọng

Việc công khai quảng bá săn bắt, mua bán những loại thủy hải sản quý hiếm cũng góp phần làm biển bị cạn kiệt nguồn gen đa dạng sinh học. Cụ thể, đầu năm 2016, ba cá thể cá gồm một con cá hô hơn 80kg, cá trà sóc nặng 51kg và cá tra dầu nặng 201kg được ngư dân Đồng Tháp và An Giang bắt được ở sông Tiền, mang ra buôn bán công khai cho một nhà hàng ở TP.HCM cho dù ba loại này đều thuộc diện nằm trong sách đỏ cần được bảo tồn và ở danh mục có nguy cơ tuyệt chủng cao [5]

Cuộc xâm lấn âm thầm nhưng nguy hiểm từ các loài sinh vật biển ngoại lai cũng góp phần phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái bản địa. Theo thống kê, số lượng động vật thủy sinh ngoại lai tại Việt Nam hiện giờ là 48 loài. Với mục đích phục vụ kinh tế ban đầu, người dân đã ít lường tới những thiệt hại về sau cũng nguy cơ xâm hại tới đa dạng sinh học vùng bản địa [6].

3. Khai thác quá mức có tác động gì?

 

Việc khai thác quá mức là mối đe dọa lớn tới môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học đại dương. Áp lực từ việc đánh bắt là một trong những nguyên nhân làm thay đổi sự phân bố và số lượng các loài sinh vật biển. Mỗi cá thể sinh vật biển có một vai trò nhất định trong việc cân bằng hệ sinh thái dưới đại dương. Để sinh trưởng mạnh mẽ, các sinh vật biển cần có môi trường sống và chất dinh dưỡng phù hợp, nhiều trong số đó phụ thuộc vào các sinh vật khác. Việc đánh bắt quá mức có thể tàn phá và hủy diệt môi trường sống, hệ sinh thái biển và phá vỡ chuỗi thức ăn. Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học đã cho thấy: đánh bắt quá mức là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát sứa ở nhiều nơi.

Kể từ đầu những năm 2000, những sinh vật này đã xâm chiếm nhiều vùng biển, như biển Nhật Bản, biển Đen, biển Địa Trung Hải, v.v. Thiên địch của loài sứa là một số loài cá lớn như cá ngừ, rùa biển, đang biến
mất do đánh bắt nhiều. Việc suy giảm và biến mất của các loài này dẫn đến sứa có thể phát triển bùng phát. Không chỉ cạnh tranh về nguồn thức ăn với nhiều sinh vật khác, sứa cũng tiêu thụ trứng và ấu trùng cá nhỏ, điều này làm ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi thủy sản.[7] Do đó, nếu phá vỡ chuỗi thức ăn ở bất kì cấp độ nào, hiệu ứng domino sẽ ảnh hưởng đến tất cả các sinh vật cùng sống trong môi trường đó.

Ví dụ về một lưới thức ăn dưới đại dương.

Việc đánh bắt hải sản quá mức dẫn đến sự suy giảm số lượng các loài cá có giá trị kinh tế. Trong những thập kỉ gần đây, chính những hoạt động đánh bắt hải sản không bền vững này đã đẩy các đại dương của chúng ta đến giới hạn và bờ vực của sự cạn kiệt, do đó trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và nguồn thu nhập của ngư dân nói chung. Nếu kiểm soát được việc khai thác hải sản quá mức, các loài hải sản có khả năng được hồi sinh. Cắt giảm việc đánh bắt cá sẽ tạo điều kiện cho cá sinh sản và cá non có thể phát triển. Việc đánh bắt hải sản (có giới hạn) sẽ được tiếp tục khi các đàn cá có giá trị cung cấp sinh trưởng dồi dào trở lại. Nếu không còn cá và hải sản để khai thác, ngư dân và những người làm trong ngành thủy sản sẽ bị mất việc, gây thêm gánh nặng việc làm và trợ cấp xã hội.[8]

Chúng ta có thể làm gì?

  • Tự bổ sung kiến thức cho mình bằng cách tìm đọc các thông tin, tài liệu về đánh bắt quá mức, xem bạn có thể tìm thấy một số thông tin liên quan đến tình hình địa phương của bạn hay không. Cho dù khai thác quá mức là một vấn đề toàn cầu, song tình trạng và ảnh hưởng của nó tại mỗi địa phương là khác nhau.
  • Hãy là người tiêu dùng thông minh: nếu bạn ăn cá, hãy chắc chắn biết rằng đó là loại nào, ưu tiên chọn những loài có ảnh hưởng thấp nhất. Hãy xem những hướng dẫn về cách chọn cá.[9]

Từ chối ăn các loại hải sản quý hiếm

  • Tuyên truyền về vấn đề cạn kiệt nguồn cá gần bờ cho cộng đồng và khuyến khích việc nâng cấp hệ thống tàu thuyền, phục vụ cho đánh bắt xa bờ.
  • Tham gia vận động cho việc đặt ra giới hạn khai thác cho từng khu vực: Nhà nước cần có số liệu về số lượng hải sản để đặt ra giới hạn khai thác cho từng loại hải sản ở mỗi khu vực biển nhằm ngăn chặn việc khai thác hải sản quá mức và khai thác các loại hải sản đã và đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Hạn chế lãng phí thức ăn, chỉ lấy vừa đủ cho mình

1. Khai thác quá mức là gì?
2. Tại sao lại thế?
3. Khai thác quá mức có tác động gì?
4. Chúng ta có thể làm gì?