Thảm cỏ biển

Cỏ biển có thể được tìm thấy ở những khu vực nước nông ven biển và nước lợ ở nhiều nơi, từ các vùng biển nhiệt đới có cho đến tận Bắc Cực. Cỏ biển được gọi là “cỏ” bởi chúng thường có lá dài màu xanh. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa cỏ biển và tảo biển, nhưng trên thực tế, cỏ biển có mối liên hệ gần gũi hơn với các loài thực vật có hoa trên mặt đất hơn tảo biển. Cỏ biển có thân đứng, thân bò, thân rễ, chồi, lá, rễ, hoa, quả và hạt. Cỏ biển xuất hiện từ khoảng 100 triệu năm trước, hiện nay trên thế giới có khoảng 66 loài cỏ biển.[1] Những nơi cỏ biển mọc nhiều như những “cánh đồng” được gọi là thảm cỏ biển. Tuy nhận được không nhiều sự quan tâm, song chúng lại là một trong những hệ sinh thái đa dạng và hiệu quả nhất trên Trái đất. Hãy cùng tìm hiểu xem tại sao lại như vậy nhé!

1. Cỏ biển và Thảm có biển là gì?

Cỏ biển là gì vậy?

Cỏ biển là nhóm thực vật bậc cao có hoa thích nghi hoàn toàn với môi trường sống ở biển, thường có lá dài và mảnh như cỏ. Tuy nhiên một số loài cỏ biển có thể có các cặp lá hình trái xoan.

Thường hay bị nhầm lẫn với tảo biển (rong biển), nhưng cỏ biển khác với tảo biển ở nhiều đặc điểm. Tảo ở đáy biển có một trụ neo, không có hoa, không có mạch rễ và vận chuyển các chất dinh dưỡng thông qua cơ thể bằng cách khuếch tán. Trong khi đó, cỏ biển là một loài thực vật ra hoa và hạt, có mạch rễ ngập sâu dưới đáy và một hệ thống trao đổi chất.

Cỏ biển thường được tìm thấy ở những vùng nước nông ven biển, vùng đầm lầy nước mặn và cửa sông. Ở vùng nhiệt đới, cỏ biển thường thấy mọc cùng với cây ngập mặn. Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 60 loài cỏ biển. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3 về đa dạng cỏ biển với 14 loài, chỉ sau Philippines (16 loài) và Malaysia (13 loài).[2] Vùng biển Tây Nam Trung Bộ là nơi cỏ biển có đa dạng loài cao nhất (Côn Đảo: 10 loài; Bãi Bồn - Phú Quốc: 7 loài; Rạch Vẹm - Phú Quốc: 6 loài; đầm Thủy Triều - Khánh Hòa: 7 loài; đảo Phú Quý: 6 loài).[3]

Cỏ biển phát triển như thế nào?

Để phát triển cỏ biển cần dinh dưỡng. Chúng thường lấy dinh dưỡng từ những cây ngập mặn xung quanh và từ ánh sáng mặt trời nhờ quang hợp. 

Cỏ biển không thể phát triển tốt ở những nơi mà chúng bị khô khi thủy triều xuống thấp. Do đó cỏ biển thường mọc ở những vùng nước nông ven bờ, nơi không có sóng lớn và dòng chảy mạnh. Cỏ biển ưa nước sạch (nước trong) nên chúng sẽ chết nếu có nhiều bùn đất phủ lên chúng.

Các loài có biển khác nhau có thể phân bố ở những nơi khác nhau. Lá cỏ biển mọc rất nhanh nhưng thân rễ lại phát triển khá chậm. Vì vậy, khi một thảm cỏ biển bị phá hủy, sẽ mất thời gian rất lâu chúng mới phục hồi lại được.

Cỏ biển sinh sản như thế nào?

Cỏ biển có thể sinh sản vô tính hoặc hữu tính. 

Hình thức sinh sản vô tính: Giống như các loại cỏ trên cạn, các chồi cây của cỏ biển nối với nhau dưới đáy biển giống như rễ, hay con gọi là hệ thống thân rễ. Thân rễ có khả năng lan rộng dưới đáy biển và đẩy cho các chồi non nhú lên. Điều này có nghĩa là các cây con đều có cùng một thân và có chung một kiểu gen.

Hình thức sinh sản hữu tính: Các hoa cỏ biển đực thả phấn hoa vào trong môi trường nước và tập trung lại thành từng khối lơ lửng. Phấn hoa của cỏ biển dài khoảng 5mm, thuộc loại dài nhất thế giới. Sóng biển giúp đưa phấn hoa đi khắp đại dương, cho đến khi chúng gặp hoa cỏ biển cái, quá trình thụ tinh diễn ra và hình thành nên những cây cỏ biển mới. 

Từ cỏ biển đến thảm cỏ biển

Thảm cỏ biển là nơi cỏ biển mọc nhiều thành từng bãi lớn như những “cánh đồng”. Một số thảm cỏ biển trên thế giới lớn đến mức người ta có thể nhìn thấy chúng từ vũ trụ!

Thảm có biển có thể là thảm đơn loài (chỉ gồm một loài cỏ) hoặc đa loài (gồm nhiều loài cỏ. Các vùng biển ôn đới thường chỉ có một hay vài loài tập hợp thành bãi cỏ. Trong khi đó, ở các vùng biển nhiệt đới, thành phần các loài cỏ trong thảm cỏ thường đa dạng hơn nhiều. 

Thảm cỏ biển cũng được tìm thấy nhiều nhất tại các vùng biển nhiệt đới, đặc biển là khu vực Đông Nam Á và Tây Bắc nước Úc.

Hệ sinh thái thảm cỏ biển

Thảm cỏ biển là nơi cư trú và là nguồn thức ăn phong phú cho nhiều nhóm sinh vật biển. Những tán lá của cỏ biển cung cấp nơi trú ẩn, ươm trứng và sinh sống cho những loài động vật nhỏ không xương (tôm, cua và các loài động vật giáp xác khác), các loài cá nhỏ, cá chưa đến tuổi trưởng thành và cả một vài loài cá lớn. Cỏ biển cũng là một phần quan trọng trong khẩu phần của một số động vật biển nguy cấp như bò biển, rùa xanh, rắn biển,... Mỗi ngày, một chú bò biển trưởng thành có thể ăn khoảng 28 đến 40 kg cỏ biển; một chú rùa biển trưởng thành cũng tiêu thụ khoảng 2 kg – hãy tưởng tượng nếu các thảm cỏ biển bị mất đi, các loài động vật này sẽ chẳng còn gì để ăn nữa!

Thảm có biển đóng vai trò là một bước đệm trung gian giữa các rạn san hô và rừng ngập mặn, giúp hài hòa các thành phần cấu trúc và hoạt động của hai hệ sinh thái này thông qua khả năng ổn định cát, bùn, nước và năng lượng.[4] Cỏ biển ổn định cát và bùn, giữ nước luôn trong. Lá và thân đứng của cỏ biển làm chậm dòng chảy của nước. Bộ rễ dày đăc của cỏ biển giữ đất bùn dưới đáy và giảm quá trình xói mòn.

Thảm cỏ biển cũng có khả năng lưu trữ một lượng lớn khí cacbon điôxít (CO2 ) từ khí quyển. Cũng giống như các loài thực vật trên cạn, cỏ biển hấp thụ khí CO2 từ không khí và nhả ra khí ôxy để sinh trưởng. Khi những cây cỏ biển chết đi và phân hủy tại đáy biển, CO2 mà chúng hấp thụ cũng sẽ bị chôn vùi vào các lớp trầm tích. Theo ước tính, cỏ biển chiếm khoảng 600,000 km2 thềm lục địa, lưu trữ được khoảng 27.4 triệu tấn CO2 .

2. Các thảm cỏ biển dần bị thu hẹp

Diện tích các thảm cỏ biển đang suy giảm trên phạm vi toàn cầu. 1.5% diện tích cỏ biển trên toàn cầu bị biến mất mỗi năm, tương ứng với diện tích phủ cỏ của 2 sân bóng đá mất đi mỗi giờ! Ước tính rằng 29% thảm cỏ biển đã biến mất chỉ trong thế kỉ qua.[5] Tại Việt Nam, chỉ trong vòng hơn 20 năm qua, ước tính có khoảng 40-50% diện tích cỏ biển đã bị mất đi.[6] Là một quốc gia có đường bờ biển dài, Việt Nam thường xuyên hứng chịu các cơn bão từ ngoài khơi, gây ra nhiều thiệt hại về sinh thái – đặc biệt là sinh vật tầng đáy như cỏ biển. Cơn bão Linda năm 1997 đã góp phần dẫn đến sự tiệt chủng của loài cỏ đốt tre (Thalassodendron ciliatum) ở biển Côn Đảo. Ngoài ra, vì đặc trưng hệ thống sông ngòi phức tạp, lượng phù sa đổ ra biển khiến độ đục trong nước biển tăng, dẫn tới làm chậm quá trình phát triển của nhiều loài cỏ biển. [7]
Việc suy giảm và nguy cơ biến mất của các loài cỏ biển vô cùng đáng lo ngại: đa dạng sinh học biển, “sức khỏe” của hệ sinh thái biển và sinh kế của người dân vùng biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các loài sinh vật biển sống dựa vào nguồn dinh dưỡng từ cỏ biển như rùa biển, bò biển cũng bị đe dọa.

3. Tại sao vậy nhỉ?

Các thảm cỏ biển trên toàn thế giới đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ nhiều nguồn khác nhau, tuy nhiên nguyên nhân gốc rễ của những mối đe dọa này đều xuất phát từ áp lực đến từ các hoạt động của con người tại các vùng ven biển. Tình trạng ô nhiễm (xả nước thải chứa kim loại nặng, chất cặn lơ lửng, dầu mỡ), phương pháp đánh bắt hủy diệt (sử dụng chất nổ, lưới rê, lưới đáy, lưới chăn, kích điện, hóa chất), nuôi trồng thủy sản (đào ao, đầm, hồ), các công trình xây dựng ven biển (đường giao thông, cầu cống, nhà cửa, bến cảng, nạo vét kênh) và cải tạo bãi triều cho các mục đích nông nghiệp,… đều ảnh hưởng đến sự sinh tồn và phát triển của các thảm cỏ biển.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước biển tăng cũng liên quan đến sự xuất hiện của những loại bệnh tàn phá và làm suy yếu các thảm cỏ biển, như đã xảy ra ở các vùng biển Đông Bắc và Tây Bắc
Mỹ.[8]

4. Cùng hành động

Việc bảo vệ các thảm cỏ biển vẫn chưa được biết đến một cách rộng rãi. Hiện nay, vẫn chưa có luật pháp quốc tế về bảo vệ cỏ biển, do đó việc bảo vệ cỏ biển gần như phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền và người dân tại địa phương. Một số biện pháp bảo vệ cỏ biển đã được thực hiện tại một số quốc gia bao gồm: hạn chế các hoạt động gây hại như nạo vét quá mức, đánh bắt hủy diệt (sử dụng chất nổ, hóa chất), ô nhiễm dòng chảy,…

Mỗi người trong chúng ta cũng có thể góp phần bảo vệ cỏ biển. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

  • Chú ý khi đi du lịch hay đánh cá, tránh làm ảnh hưởng đến cỏ biển khi thả neo tàu thuyền.
  • Ủng hộ việc thành lập các khu bảo tồn bảo vệ môi trường sống cho cỏ biển.
  • Tuyên truyền cho bạn bè và gia đình biết về cỏ biển, khuyến khích mọi người thực hiện những biện pháp giảm sự ô nhiễm nguồn nước.
1. Cỏ biển và thảm cỏ biển là gì?
2. Thảm cỏ biển đang bị thu hẹp
3. Tại sao vậy nhỉ?
4. Cùng hành động