Biển bị bẩn
1. Ô nhiễm biển là gỉ?
Ô nhiễm nước biển được hiểu là việc các dạng vật chất có hại xâm nhập vào đại dương, gây ra ảnh hưởng xấu đối với sự sống của các loài sinh vật và hệ sinh thái biển. 70-80% ô nhiễm ở biển xuất phát từ đất liền. Bạn có biết, các tạp chất mà con người sử dụng trên đất liền, xả vào bầu khí quyển hay đổ ra nguồn nước, tất thảy, đến một thời điểm nào đó, đều có thể trôi ra ngoài đại dương?
2. Ô nhiễm biển là do đâu?[1]
Rác thải
Rác thải do con người cố ý xả thải, hoặc đi theo nguồn nước, trôi từ đất liền ra biển. Một phần rác dễ dàng tan vụn hoặc chìm xuống đáy. Tuy nhiên, hầu hết rác thải rắn, đặc biệt là các loại nhựa, có thể trôi nổi nhiều dặm và tồn tại nhiều năm ròng rã trên đại dương. Rác thải có thể giết hại các sinh vật biển theo nhiều cách: Các loài động vật rất dễ bị kẹt trong những mảnh rác hoặc những tấm lưới đánh cá bỏ đi, bị thương, bị nghẹt thở và bị rác thải chiếm mất nơi trú ngụ. Những chú cá không may ăn phải rác có thể bị sặc, bị hóc, và rồi chết vì đói hoặc nhiễm độc. Các mảnh rác lớn có thể chìm xuống, nghiền nát và làm ngộp thở các sinh vật sống đáy biển.
Rác trôi nổi dưới biển. Tác phẩm của tham dự cuộc thi ảnh Our Ocean, One Future (Đại sứ quán Hoa Kỳ).
Nước thải, hóa chất độc hại và các chất dinh dưỡng
Ô nhiễm có thể xâm nhập trực tiếp vào đại dương qua các dòng nước thải. Phần lớn nước thải xuất phát từ nước xả nhà vệ sinh, phòng tắm, nước rửa bát, giặt giũ, nấu nướng,… Ở nhiều nơi trên thế giới, các dòng nước thải không được xử lý, hoặc được xử lý dưới nước, sau đó thải kênh mương, sông, suối rồi cuối cùng cũng đi ra biển. Ví dụ, theo báo cáo của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên, 80% nước thải đô thị thải ra biển Địa Trung Hải không được xử lý.[2] Nước thải có thể dẫn đến hiện tượng phú dưỡng làm cho tảo phát triển bùng phát, gây suy giảm ôxy, tàn phá đời sống của thực vật và động vật biển. Ngoài ra, nó có thể mang theo những vi khuẩn có khả năng gây bệnh cho các sinh vật biển. [3]
Nước thải từ nông trại gần nguồn nước chảy xuống sông rồi ra biển.
Các vật chất độc hại xuất được xả ra biển cũng làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Các vật chất này bao gồm hóa chất và kim loại nặng (chì, thủy ngân, đi-ô- xin, các hợp chất hóa học công nghiệp, chất phóng xạ, v.v...). Chúng yếu bị xả ra biển từ các khu công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động của con người, chủ yếu từ việc thăm dò dầu khí, khai thác mỏ ven biển, sản xuất điện (nhiệt điện sử dụng năng lượng hóa thạch, điện hạt nhân),v.v…, hoặc theo mưa hay theo nước sông ra biển. Nhiều loại chất độc nguy hiểm nhất lắng xuống lớp trầm tích đáy biển, và sau đó đầu độc các sinh vật ăn phải chúng. Các vật chất độc hại tấn công các sinh vật biển từ bên trong, làm chết, gây bệnh, đột biến gen, suy giảm năng lực sinh sản… Những chất độc này không thể tiêu hóa được và trở nên tập trung hơn khi chúng đi dọc theo chuỗi thức ăn. Những loài động vật ăn thịt bậc cao hơn - cá, chim, và động vật có vú – sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chất thải công nghiệp chảy tiến ra biển
Nước thải chảy tràn ra biển ở thành phố Đà nẵng. Ảnh: Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường.[4]
Tuy vậy, không chỉ có các chất độc kể mới gây độc cho biển. Các chất dinh dưỡng tập trung ở mức độ cao như phốt pho, nitơ, ammoniac, các hợp chất hữu cơ… cũng có thể gây ô nhiễm và phá vỡ sự cân bằng các hệ sinh thái biển. Những chất này thường được xả ra từ những nhà máy chế biến thực phẩm công nghiệp ven biển (bao gồm chế biến thủy hải sản), hay từ phân bón của các đồng cỏ, trang trại,… ra sông rồi ra biển. Việc dư thừa hàm lượng các chất dinh dưỡng trong nước khiến cho tảo và một số loài thực vật phát triển nhanh, bùng phát quá mức về mật độ tế bào hoặc sinh khối. Hiện tượng tảo nở hoa và héo úa này có thể hút kiệt oxi và tạo ra “vùng chết” ở những vùng nước nông hay chậm lưu thông. Người ta còn gọi hiện tượng này là “thủy triều đỏ”.
Hiện tượng Thủy triều đỏ. Nguồn ảnh: Space Coast Daily, trích Wall Street OTC Image
Tràn dầu
Tràn dầu tập hợp những tác động xấu nhất của cả hai loại ô nhiễm trên. Khi bị dầu dính quanh cơ thể, thực vật và động vật biển nhanh chóng bị chết ngạt. Dầu tràn dính vào lông các loài chim và động vật có vú khiến chúng mất khả năng cách nhiệt. Dầu tiếp xúc với da và mắt gây nhiễm trùng nghiêm trọng và dẫn đến mù lòa. Động vật khi hít phải dầu có thể bị tổn thương các nội tạng, bị liệt hoặc tử vong, hoặc mất khả năng sinh sản.
Mỗi năm, chỉ riêng ở Mỹ, có khoảng từ 300,000 đến 750,000 tấn dầu tràn bị xả vào các đại dương.[5] Những vụ tràn dầu lớn do tàu chở dầu gây ra thường rất nghiêm trọng và được nhắc tới nhiều trên báo chí, nhưng đó chỉ là thủ phạm của số ít dầu gây ô nhiễm đại dương. Phần nhiều dầu trên biển đến từ các động cơ, máy móc, các phương tiện chuyên chở, dầu đến từ các nhà máy trên đất liền, bị xả vào các đường cống ngầm, trôi ra biển.
Ô nhiễm tiếng ồn
Biển sâu trông có vẻ yên ả, nhưng thực chất, những âm thanh nhân tạo vẫn vang lên ngày càng lớn và không ngừng nghỉ. Do hoạt động lưu thông hàng hải, khai thác dầu khí, nghiên cứu, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc và định vị bằng âm thanh, tiếng ồn trong lòng biển đã tăng lên hai bậc trong vòng 60 năm trở lại đây. Tiếng ồn này đặc biệt ảnh hưởng xấu đến động vật có vú ở biển.
Trong các đại dương, nơi khoảng cách dài và tầm nhìn ngắn, nhiều loài dựa vào âm thanh để giao tiếp, định hướng, và thăm dò môi trường xung quanh. Những hoạt động có ý nghĩa sống còn này ngày càng trở nên khó khăn do tiếng ồn gây nhiễu khả năng nghe của động vật. Ô nhiễm tiếng ồn khiến hải cẩu, sư tử biển, và cá voi không thể kiếm ăn hay lẩn trốn kẻ săn mồi, xua đuổi chúng khỏi khu vực kiếm ăn và sinh sản quen thuộc, và khiến con non bị tách khỏi mẹ. Các nghiên cứu gần đây quy kết sự mất khả năng nghe và mất phương hướng do tiếng ồn cường độ mạnh là thủ phạm dẫn đến sự gia tăng số vụ việc cá voi mắc cạn và chết.
3. Ô nhiễm biển có ảnh hưởng gì?
Ô nhiễm biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nói chung và cuộc sống của chính chúng ta:
Như đã đề cập ở trên, rác thải, hoá chất, và dầu tràn đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sự tồn tại của nhiều loài sinh vật biển. Ở Việt Nam, nước, trầm tích và sinh vật tại một số vùng biển đã có biểu hiện tăng tích lũy kim loại nặng (chì, asen, thủy ngân, cyanua) và các chất hữu cơ bền có độc tính cao, trở thành mối hiểm họa cho môi trường biển. Gần đây nhất, nguồn thải từ tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh đã tạo thành một dạng chất phức hợp có khả năng hút hai thành phần ô nhiễm chính là phenol và cyanua, trôi theo các dòng hải lưu, gây ra thảm họa cá chết hàng loạt ở tầng đáy biển tại 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016.
Ô nhiễm biển còn làm giảm hàm lượng ôxi trong nước. Hầu hết các vật chất bị xả vào đại dương rất khó phân hủy và sẽ tổn tại trong nhiều năm. Quá trình phân hủy các vật chất này tiêu tốn ôxi trong nước biển. Do đó nhiều rác bẩn, hóa chất,… cần được phân hủy sẽ làm lượng ôxi giảm đi và trong một thời gian dài, chúng sẽ lấy đi lượng ôxi quan trọng cho sự sống của các loài sinh vật biển.
Đôi khi, ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến cả chuỗi và lưới thức ăn ở biển và trên cạn. Độc tố trong môi trường biển tích tụ lại trong cơ thể các sinh vật trong cả chuỗi thức ăn và khuếch tán ở các sinh vật tiêu thụ bậc cao hơn: khi con cá lớn ăn những con cá nhỏ bị nhiễm độc, nó cũng bị nhiễm độc theo. Khi các loài chim, thú,… ăn những con cá nhiễm độc, chất độc cũng sẽ tích tụ lại trong cơ thể.
Đối với con người, động thực vật nhiễm độc hoặc nhiễm bệnh đều không thể dùng làm thức ăn. Nhiều loài sinh vật biển bị nhiễm độc thuỷ ngân, chì, dioxin, v.v… có thể gây nguy hiểm cho con người nếu ăn
một thời gian dài.
Ô nhiễm biển cũng mang đến những tổn thất không khỏ về tinh thần. Khung cảnh và mùi hôi thối bốc lên từ những bãi biển ô nhiễm, ý thức rằng nhiều loài sinh vật đã bị tuyệt chủng do sự vô ý thức của con người, cũng có thể khiến chúng ta, đặc biệt là người dân sinh sống gần biển, cảm thấy buồn bã.
4. Chúng ta có thể làm gì?
Không cần phải sống gần biển chúng ta mới có thể chống lại tình trạng ô nhiễm biển. Mỗi người trong chúng ta đều có thể thực hiện điều đó từ những hành động đơn giản hàng ngày:
- Tiết kiệm nước – Nước ngọt và nước sạch là một nguồn tài nguyên quý giá. Đừng lãng phí! Bạn có thể tiết kiệm nước hơn khi tắm, vặn chặt vòi nước khi không sử dụng và xả quá nhiều nước khi đi vệ sinh.
- Hạn chế sử dụng hóa chất trong đời sống hàng ngày: giảm lượng nước tẩy rửa mà bạn đang sử dụng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, diệt sâu bo,… khi trồng cây.
- Tránh đổ dầu mỡ thừa vào cống rãnh ở nhà bếp. Đổ thức ăn thừa vào thùng rác thay vì để chúng trôi xuống cống.
- Luôn dọn sạch rác của bạn, đặc biệt khi dạo chơi trên bãi biển, hay ở gần hồ hoặc sông.
Không đổ nước thải từ tàu thuyền ra biển