Biến đổi khí hậu
Bạn có biết đại dương và bầu khí quyển là những hệ thống có liên kết chặt chẽ với nhau và không thể tách rời? Cả hai đều đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Cụ thể, cả đại dương và bầu khí quyển đều đang nóng lên, trong đó biển và đại dương hấp thụ khoảng 93% lượng nhiệt tăng lên trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến 2010.[1]
Hãy cùng tìm hiểu về hiện tượng biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó đối với các đại dương trên Trái đất nhé.
1. Biến đổi khí hậu là gì?
Biến đổi khí hậu (BĐKH) được dùng để chỉ những thay đổi của khí hậu vượt ra khỏi trạng thái trung bình đã được duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là một vài thấp kỷ hoặc dài hơn.
BĐKH được nhận biết thông qua sự gia tăng của nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nguyên nhân chính của BĐKH là sự gia tăng nồng độ các khí nhà kính, đặc biệt là khí cacbon điôxit (CO 2 ), trong bầu khí quyển do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người.
2. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng gì đến đại dương?
Nhiệt độ nước biển tăng
Đại dương hấp thu phần lớn nhiệt tăng thêm trên Trái đất do BĐKH. Các nhà khoa học đã chứng minh được trong khoảng thời gian từ năm 1971-2010, nhiệt độ trung bình của nước biển đã tăng lên trên toàn thế giới. Nhiệt độ ở các vùng biển khác nhau tăng không đồng đều, song hiện tượng ấm lên của nước biển thể hiện rõ nhất ở khu vực Bắc bán cầu, đặc biệt là Bắc Đại Tây Dương.[2]
Nhiệt độ nước biển tăng gây ra hiện tượng san hô bạc màu (hay còn gọi là tẩy trắng), ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái san hô. Nhiều động vật biển phải di trú, đi tìm nơi sinh sống mới với nhiệt độ phù hợp cho chúng sinh sôi và phát triển. Sự thay đổi nhiệt độ của nước biển có thể làm đảo lộn quá trình phát triển của nhiều sinh vật, như thời gian nở, ấp trứng,…
Nước biển dâng
Mực nước biển trung bình trên toàn cầu đã tăng lên 3.2 mm mỗi năm trong suốt hai thập kỉ qua. Khoảng 2/3 lượng thể tích tăng lên xuất phát từ sự giãn nở của nước trong đại dương, hệ quả của nóng lên toàn cầu. Phần còn lại là do dòng chảy nước ngọt của từ các lục địa, vốn là kết quả của băng tan từ các dãy núi và các địa cực.[3]
Sự sinh tồn của rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, và các hệ sinh thái quan trọng khác phụ thuộc vào khả năng di chuyển của chúng đến những vùng nước nông. Nhiều sinh vật phát triển chậm có thể sẽ không đủ khả năng theo kịp với tốc độ dâng lên của nước biển. Một số sinh cảnh biển, chẳng hạn bãi đẻ của rùa biển, cũng sẽ bị mất cùng với hiện tượng nước biển dâng. Các rào chắn tự nhiên và nhân tạo như vách đá, các công trình ven biển,… sẽ chặn đường di cư vào sâu hơn trong đất liền của chúng.[4]
Axit hóa đại dương
Đại dương hấp thụ một lượng lớn khí cacbon điôxit (CO 2 ) của Trái đất. Khí này khi hòa tan trong nước có thể làm tăng tính axit của nước biển. Trong vòng hơn 30 năm trở lại đây, độ pH của nước biển đã có dấu hiệu giảm đi, đồng nghĩa với tính axit trong nước biển tăng lên. Các nhà khoa học tính toán rằng, nếu tốc độ axit hóa tiếp tục diễn ra như hiện nay, độ pH của nước biển sẽ chỉ còn 7.8 vào năm 2100, thấp hơn nhiều so với mức thông thường (xấp xỉ 8.2).[5]
Độ pH thấp của nước biển làm giảm các ion cacbonat trong nước biển, khiến cho nhiều sinh vật không thể hình thành lớp khung xương và vỏ cứng – đe dọa trực tiếp đến sự sống của những sinh vật này. Những sinh vật này cũng là một phần không thể thiếu trong chuỗi thức ăn ở biển; mất đi bất kì mắt xích nào cũng có thể làm ảnh hưởng đến cả chuỗi thức ăn và hệ sinh thái.
Thay đổi độ mặn
Độ mặn của nước biển trên toàn thế giới cũng đã thay đổi. Đây là kết quả của những thay đổi trong cân bằng của các dòng chảy nước ngọt (sông, băng tan, băng từ các cực,…) đổ vào đại dương, lượng mưa và khả năng bốc hơi của nước biển. Những yếu tố này đều bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu tự nhiên cũng như hiện tượng BĐKH.
Độ mặn thay đổi cũng dẫn đến sự thay đổi mật độ nước lưu thông trong đại dương, lại một lần nữa ảnh hưởng đến các dòng chảy. Độ mặn thay đổi như hiện nay được cho là sẽ làm biến đổi dòng chảy và gây ra sự phân tầng của nước biển.[6]
Phân tầng nước biển
Sự khác biệt về độ mặn và nhiệt độ giữa các khối nước biển khác nhau dẫn đến hiện thượng phân tầng, nghĩa là hình thành các lớp nước biệt tách biệt. Sự gia tăng mức độ phân tầng này đã được ghi nhận trên khắp thế giới, đặc biệt là ở phía Bắc Thái Bình Dương. Phân tầng làm giảm sự trao đổi theo chiều dọc trong lòng đại dương, giảm lượng ôxy và dinh dưỡng ở các tầng nước mặt. Nó còn làm giảm khả năng hấp thụ nhiệt và khí CO 2 của biển, do ít nước mát hơn được đưa từ phía dưới lên bề mặt; trong khi đó, bề mặt là nơi hấp thu nhiều nhiệt và khí nhất.[7]
Thay đổi hệ thống dòng chảy
Tương tự như nguyên nhân dẫn đến phân tầng, BĐKH đã khiến cho các khối nước biển có sự khác biệt lớn về độ mặn và nhiệt độ, dẫn đến sự thay đổi hệ thống dòng chảy.
Nhiều sinh vật phụ thuộc vào các dòng biển để sinh sản và tìm kiếm thức ăn sẽ bị ảnh hưởng, chẳng hạn như san hô và nhiều loài cá rạn san hô xây dựng nên rạn san hô dựa vào sự phát tán của ấu trùng nhờ các dòng chảy. Cùng với sự thay đổi của các dòng chảy, mô hình di cư của nhiều động vật biển cũng có thể biến đổi.
Bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan
Nhiệt độ nước biển tăng tạo ra nhiều năng lượng hơn để hình thành bão biển. Giới khoa học cho rằng, tình trạng này sẽ làm tần xuất các trận lốc xoáy ít hơn, song có cường độ và sức tàn phá mạnh hơn.[8]
Những cơn bão, lốc xoáy ảnh hưởng lớn nhất đến khu vực ven biển, nơi tập trung nhiều dân cư sinh sống.
Ôxy hòa tan giảm
Lượng ôxy hòa tan trong nước biển ở các vùng nhiệt đới đã giảm chủ yếu do nước biển ấm lên trong vòng 50 năm trở lại đây. Nước biển ấm lên và hiện tượng phân tầng được cho là sẽ làm giảm lượng ôxy hòa tan vào nước từ bầu khí quyển, cũng như sự chuyển hóa ôxy giữa các tầng biển.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào tới biển Việt Nam?
Theo Kịch bản Biến đổi khí hậu ở Việt Nam và khu vực, trung bình trên toàn dải bờ biển Việt Nam, mực nước biển có thể tăng lên 40cm vào năm 2050 và ước tính có thể tăng lên 100cm vào năm 2100.BĐKH và nước biển dâng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô cũng như làm tăng diện tích ngập lụt, gây khó khăn cho thoát nước vào mùa mưa, tăng xói lở bờ biển và nhiễm mặn nguồn nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, gây rủi ro lớn đến các công trình xây dựng ven biển như đê biển, đường giao thông, bến cảng, các nhà máy, các đô thị và khu vực dân cư ven biển. [9]
3. Chúng ta có thể làm gì?
BĐKH là một vấn đề tưởng chừng rất to lớn và xa xôi, song thực ra mỗi người trong chúng ta đều có thể đóng góp một phần không nhỏ vào việc giảm nhẹ, thích ứng với nó và những ảnh hưởng của nó đối với biển.
Giảm nhẹ BĐKH là ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu thông qua việc giảm cường độ, mức độ phát thải khí nhà kính. Cắt giảm lượng khí CO 2 trong sinh hoạt hàng ngày là việc làm thiết thực, gần gũi nhất mà chúng ta có thể thực hiện ngay từ bây giờ đấy! Ví dụ: Dùng thiết bị tiết kiệm năng lượng, sử dụng các năng lượng gió, năng lượng Mặt trời; Trồng rừng ngập mặn,…
Thích ứng với BĐKH bao gồm những hoạt động, điều chỉnh trong hoạt động của con người để thích nghi và tăng cường khả năng chống chịu trước các tác động của BĐKH và khai thác những mặt thuận lợi của nó. Ví dụ: Dạy bơi cho phụ nữ và trẻ nhỏ; Tham gia các hoạt động bảo tồn rùa biển,…