Sinh vật biển

Đại dương xanh biếc là ngôi nhà của muôn loài sinh vật biển, từ những vi tảo siêu nhỏ cho đến động vật to lớn nhất trên hành tinh này là cá voi xanh. Hãy cùng nhìn vào bức tranh đại dương vô cùng sinh động với những sinh vật biển nhé!

1. Có bao nhiêu sinh vật biển?

Sinh vật biển là các loài động vật, thực vật, vi khuẩn, vi-rút rất đa dạng sinh sống trong thế giới đại dương. Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng sự sống bắt nguồn từ đại dương từ khoảng 3 tỉ năm trước. Một nghiên cứu rất lớn mới đây (2012) cho rằng có khoảng hơn 700,000 cho đến gần 1 triệu loài sinh vật biển; các nhà khoa học tin rằng hơn 1/3 trong số chúng vẫn chưa được phát hiện và có khả năng sẽ được phát hiện trong thế kỉ này.[1]

2. Sinh vật biển sống ở đâu?

Sinh vật biển xuất hiện với đủ mọi hình dáng, kích cỡ và màu sắc khác nhau; chúng sống tại những môi trường khác nhau trong đại dương bao la. Nếu coi đại dương là một miếng bánh, các sinh vật sẽ phân bố tại 5 tầng bánh khác nhau, tùy thuộc vào lượng ánh sáng, nhiệt độ và độ sâu của những “tầng bánh” này.[2] Dù ở bất cứ đâu trong đại dương, chúng ta cũng đều tìm thấy sự sống.

  • Vùng biển khơi trung (mesopelagic) : đọ sâu từ khoảng 200 - 1000m: Nơi này chỉ tiếp nhận ít ánh sáng. Nhiệt độ nước ở đây lạnh hơn so với tầng khơi mặt. Những loài sống ở đây thường là các loài giáp xác và nhiều cơ như tôm, cua,…
  • Vùng biển khơi sâu (bathypelagic): độ sâu từ khoảng 1000 - 4000m. Nơi đây luôn luôn tối đen, nhiệt độ nước lạnh và chỉ có một số loài động vật sinh sống. Hầu hết động vật ở đây có tỉ lệ trao đổi chất thấp do vùng nước thiếu chất dinh dưỡng, có làn dan mong manh, ít cơ bắp và cơ thể trơn trượt. Một số loài tiêu biểu bao gồm: mực, sao biển, bạch tuộc, cá rắn viper,… Do thiếu sáng, những loài động vật sống ở đây có đôi mắt nhỏ hoặc không có mắt, không thể nhìn thấy con mồi, vì thế chúng thích nghi bằng cách phát triển miệng rộng và răng dài ra, ví dụ như con lươn gulper. Cá tại đây di chuyển chậm và có mang khỏe để lấy ôxy từ nước.
  • Vùng biển khơi sâu thẳm (abyssalpelagic) : độ sâu từ 4000 – 6000m. Nhiệt độ ở vùng biển này dưới 2 độ C, nước mặn, áp lực nước cao. Nhưng vẫn có sự sống tồn tại ở đây, ví dụ như sâu biển, nhím biển. Khá nhiều loài có phát quang sinh học.
  • Vùng đáy vực khơi tăm tối (hadalpelagic) : độ sâu từ 6000-10000m, là nơi sâu nhất, tăm tối nhất và lạnh lẽo nhất của đại dương. Chỉ có rất ít sinh vật tồn tại ở đây, như hải sâm, nhện biển, bọt biển,…

3. Sinh vật biển ăn gì?

Cũng giống như sinh vật trên cạn, các sinh vật biển cũng có quan hệ dinh dưỡng với nhau, gọi là chuỗi thức ăn. Trong đó, loài đứng trước là thức ăn của loài đứng sau. Mỗi loài được coi là một mắt xích trong chuỗi thức ăn. Trong hầu hết các trường hợp, mỗi loài vừa là sinh vật tiêu thụ mắt xích phía trước (ăn sinh vật đứng trước), vừa là sinh vật bị mắt xích phía sau tiêu thụ (bị ăn). Cụ thể, một chuỗi thức ăn gồm có:[3]


Sinh vật sản xuất là sinh vật tạo ra chất hữu cơ từ chất vô cơ. Chúng sử dụng nguồn năng lượng mặt trời hoặc năng lượng từ các phản ứng hóa học để tổng hợp chất hữu cơ. Chúng gồm có thực vật phù du, cỏ biển, tảo biển,… Sinh vât sản xuất thường được coi là điểm bắt đầu của một chuỗi thức ăn. 

Sinh vật tiêu thụ là các sinh vật không thể tự tạo ra chất hữu cơ mà phụ thuộc vào các sinh vật khác. Trong đó bao gồm:

  • Sinh vật tiêu thụ bậc một là các loài ăn thực vật. Những loài này gồm các động vật phù du (zooplankton), các ấu trùng của cua, nhuyễn thể, cá, đến những loài lớn hơn như rùa xanh.
  • Sinh vật tiêu thụ bậc hai là những loài động vật ăn thịt, tiêu thụ các sinh vật tiêu thụ bậc một. Tầng thức ăn này bao gồm các loài động vật lớn như mực, các loài cá. Chúng ăn các loài động vật tiêu thụ bậc một như cá nhỏ, nhuyễn thể và các động vật phù du.
  • Sinh vật tiêu thụ bậc ba, bậc bốn là những loài có thể ăn sinh vật tiêu thụ bậc hai, cũng có thể là ký sinh trùng sống trên sinh vật tiêu thụ bậc hai hoặc loài ăn xác chết. Chúng là một nhóm động vật đa dạng bao gồm các loài cá vây (cá mập, cá ngừ, cá voi), các loài chim biển (chim cánh cụt, hải âu) và các loài động vật biển da trơn (hải cẩu, hải tượng).

Sinh vật phân hủy là những vi khuẩn, nấm,… từ các sinh vật đã chết.

Ví dụ, một chuỗi thức ăn đơn giản ở biển: Thực vật phù du -> Động vật phù du -> Cá nhỏ -> Cá thu -> Cá heo nục -> Cá mập lớn.

Một tập hợp các các chuỗi thức ăn có chung nhiều mắt xích tồn tại tạo thành một mạng lưới thức ăn dày đặc.[4]

4. Bạn có biết?

  • Cá voi xanh là loài động vật lớn nhất trên trái đất cho đến nay. Một con cá voi xanh có thể nặng đến 200 tấn và dài khoảng 33m, nghĩa là to tương đương với một chiếc máy bay Boeing 737 đấy!
  • Cá ngừ đại dương là loài cá biển lớn và nhanh nhất. Con trưởng thành có thể nặng 680kg và bơi với vận tốc 88 km một giờ - ngang với một chiếc xe hơi chạy trên đường cao tốc.
  • Nhiều loài cá có thể thay đổi giới tính trong cuộc đời. Đặc biệt các loài cá sống dưới biển sâu có cả hai bộ phận sinh dục cái và đực.
  • Việt Nam có rất nhiều loài động vật biển quý. Tuy nhiên, rất nhiều loài như rùa biển, bò biển,… đã bị suy giảm khá nhiều về số lượng và đang có nguy cơ tuyệt chủng cao theo Sách đỏ quốc tế (IUCN). Hãy cùng tìm hiểu về những loài động vật này và tìm cách bảo vệ chúng nhé!
1. Có bao nhiêu sinh vật biển?
2. Sinh vật biển sống ở đâu?
3. Sinh vật biển ăn gì?
4. Bạn có biết?