Cá ngựa

Cá ngựa là một loài sinh vật thật độc đáo của thế giới đại dương. Đầu và cổ chúng có hình dạng giống như loài ngựa nên chúng được gọi là “cá ngựa” hay “hải mã”. Chúng còn có khả năng đổi màu cơ thể theo môi trường xung quanh, do đó những chú cá ngựa có màu sắc vô cùng đa dạng. Hãy cùng tìm hiểu những bí mật thú vị về loài sinh vật này nhé!

Chú cá ngựa bảy sắc cầu vồng tại vùng biển Hamburg, Đức. Ảnh: Zanthia

1. Bí mật về cá ngựa

Cơ thể cá ngựa thật đặc biệt!

Bạn có biết cá ngựa không hề có vảy như chúng ta tưởng tượng, mà có xương sống ở bên ngoài cơ thể? Chúng cũng không có dạ dày và răng. Chính vì vậy, thức ăn đi vào hệ tiêu hóa của chúng rồi nhanh chóng đi ra. Điều này lí giải vì sao cá ngựa ăn nhiều và ăn liên tục. Cá ngựa dùng mõm của nó hút sinh vật nhỏ và sinh vật phù du ở gần mình. Một số loài cá ngựa rất “phàm ăn”, chúng có thể ăn tới 3000 con tôm biển nhỏ mỗi ngày.[1]

           Cá ngựa có thị lực rất tốt. Mắt chúng có thể hoạt động độc lập với nhau, chẳng hạn một mắt nhìn đằng trước và một mắt nhìn đằng sau. Điều này rất hữu ích trong việc tìm kiếm thức ăn xung quanh cũng như quan sát các mối nguy hiểm.
Cá ngựa bơi khá tệ. Chúng di chuyển bằng cách đập một chiếc vây nhỏ trên lưng liên tục với tốc độ khoảng 35 cái/giây. Vây ngực nhỏ ở phía sau đầu có vai trò như bánh lái cho cá ngựa. 
Chiếc đuôi của cá ngựa cũng rất đặc biệt. Nó có khả năng quấn quanh thực vật nhỏ để giữ cho cá ngựa không bị nước cuốn.


Cá ngựa sinh trưởng như thế nào?

Không giống các loại cá khác, cá ngựa là một loài động vật rất “chung thủy”. Chúng chỉ có một bạn tình duy nhất trọn đời, và cá ngựa đực sẽ chăm sóc cá ngựa con chưa nở. 


Cá ngựa đực có chiếc túi trên bụng giống như chuột túi (kangaroo)! Khi giao phối, con cái đẻ trứng của mình vào túi của con đực, và con đực sẽ phóng tinh trùng và thụ tinh trứng trong cơ thể của mình. Con đực giữ túi trứng này cho đến khi trứng nở, con non phát triển đầy đủ rồi mới phóng những con non ra ngoài môi trường. Quá trình này kéo dài khoảng 45 ngày.

Khi cá ngựa con được sinh ra, chúng chỉ bé bằng một viên kẹo dẻo. Chúng ngay lập tức tìm những chú cá ngựa khác, bám đuôi với nhau và bơi thành nhóm nhỏ. Khác với chuột túi, cá ngựa non một khi được thả ra môi trường, sẽ không bao giờ quay lại chiếc túi của cá ngựa bố nữa. Chỉ có 1/1000 cá ngựa con sống sót và trưởng thành.
Cá ngựa sống được khoảng từ 1 đến 5 năm, tùy thuộc vào từng giống cá ngựa.

 

Cá ngựa sống ở đâu?

Cá ngựa có thể được tìm thấy ở hầu hết các vùng biển nhiệt đới và ôn đới trên thế giới. Tuy nhiên cá ngựa sinh sống nhiều nhất ở khu vực biển Đông Nam Á, Nam Phi và kênh đào Panama, đặc biệt ở các thảm cỏ biển, các rạn san hô, và rừng ngập mặn. Hiện nay trên thế giới đã tìm thấy 54 loài cá ngựa.[2]

Riêng ở Việt Nam có bốn loài cá ngựa phân bố trên khắp các vùng biển từ Bắc tới Nam.

  • Cá ngựa gai: ở vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng đến Bà Rịa- Vũng Tàu, Kiên Giang.
  • Cá ngựa nhật: ở vịnh Bắc Bộ, Khánh Hòa, Bình Thuận.
  • Cá ngựa đen: ở vịnh Bắc Bộ, Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Bà Rịa- Vũng Tàu), Kiên Giang, Phú Quốc.
  • Cá ngựa chấm: ở vịnh Bắc Bộ, Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận).

2. Cá ngựa đang ngày một giảm đi!

Hiện nay, cá ngựa được xếp vào danh sách động vật sắp nguy cấp trong Sách đỏ thế giới và nghiêm cấm việc buôn bán, trao đổi cá ngựa theo Công ước Quốc tế vè buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).[3] Ở Việt Nam, người ta cũng quan sát thấy lượng cá ngựa giảm đi đáng kể.

3. Tại sao vậy nhỉ?

Cá ngựa bị săn bắt và trao đổi mua bán ở nhiều nơi. Nhiều phương thuốc truyền thống từ Trung Quốc và Việt Nam sử dụng cá ngựa để chữa các bệnh xương khớp và sinh lí. Cá ngựa còn bị săn lùng và đưa vào nuôi trong các bể cá cảnh. Tại đây, chúng chỉ có thể tồn tại khoảng 6 tuần rồi sau đó bị chết rất nhanh chóng.[4]

Bên cạnh đó, so với các loài sinh vật biển khác, cá ngựa còn rất dễ bị tổn thương bởi các chất gây ô nhiễm hay bị gián đoạn nguồn thức ăn. Chính khả năng bơi lội giới hạn của cá ngựa khiến cho chúng không có khả ăng thoát ra khỏi khu vực ô nhiễm một cách nhanh chóng.[5]

Cá ngựa cũng đang mất dần môi trường sống. Rạn san hô, thảm cỏ biển và đầm lầy ngập mặn là những nơi mà cá ngựa thường trú ngụ. Những môi trường sống này đang dần bị phá hủy bởi ô nhiễm, các hoạt động khai phá và biến đổi khí hậu. Các quần thể cá ngựa dễ dàng bị phân mảnh và đối mặt với nguy cơ biến mất.

4. Cùng hành động

  • Không mua các sản phẩm thuốc, đồ lưu niệm làm từ cá ngựa. Không mua cá ngựa để đưa vào nuôi trong các bể cá cảnh. Bạn cũng có thể báo cho chính quyền và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã khi phát hiện các các nơi buôn bán cá ngựa.
  • Tuyên truyền sự suy giảm của cá ngựa trong tự nhiên và sự cần thiết hạn chế săn bắt cá ngựa.
  • Giữ sạch nước biển cũng là một cách bảo vệ môi trường sống cho cá ngựa. Không vứt rác và chất thải gây hại xuống ao, hồ, sông, biển.
1. Bí mật về cá ngựa
2. Cá ngựa đang ngày một giảm đi?
3. Tại sao vậy nhỉ?
4. Cùng hành động